Nhằm đảm bảo chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.HCM, thời gian qua Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT TP.HCM) đã tập trung triển khai một số kế hoạch bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong đó có thể kể đến kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn TP.HCM; kế hoạch số 1902/KH-SNN ngày 9/8/2022 của Sở NNPTNT về triển khai thực hiện giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp; kế hoạch số 894/KH-CCTS ngày 4/11/2022 về triển khai thực hiện giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2022-2030...
Qua triển khai, bà Võ Thị Mộng Thu – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết đơn vị đã tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tại các xã, thị trấn thuộc huyện Cần Giờ.
"Về thu gom, xử lý rác thải nhựa phát sinh từ hộ nuôi trồng thủy sản gần khu dân cư, đối với các loại rác có khối lượng lớn như bạt, lưới che..., các hộ đều thuê phương tiện vận chuyển đến địa điểm tập kết rác để Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích xử lý hay bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Đối với hộ dân nuôi trồng thủy sản sống ngoài đồng ruộng, xa khu dân cư tập trung, không có điều kiện vận chuyển giao rác, nhân viên đã hướng dẫn tổ chức phân loại và xử lý theo quy định. Qua đó, chất thải nhựa được phân loại, thu gom và bán cho cơ sở thu mua phế liệu; rác thải sinh hoạt được xử lý đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đa số hộ dân xử lý thông qua hình thức chôn, đốt...", bà Thu cho biết.
Chi cục Thủy sản TP.HCM thường xuyên thực hiện đợt thu mẫu nước đầu nguồn (vào các ngày mùng 1 và 15 Âm lịch). Phân tích các chỉ tiêu lý hóa quan trắc cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản, kết quả quan trắc khuyến cáo, cảnh báo môi trường nước nuôi thủy sản được thông báo đến người dân qua mạng SMS, nhằm thông tin kịp thời cho cơ sở nuôi về chất lượng nguồn nước cấp để chủ động xử lý trước khi cấp vào ao nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Mặc dù đã thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động nhưng vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản thành phố vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo bà Thu, vẫn còn tình trạng một số hộ nuôi trồng thủy sản chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải không đúng quy định. Tại một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh, hay khi tôm chết cũng thải nước trực tiếp ra các kênh, sông rạch.
Việc làm này vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các hộ khác, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt. Đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khu vực xung quanh.
Các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ xa khu dân cư tập trung, sống ngoài đồng ruộng, không có điều kiện vận chuyển giao rác cho đơn vị dịch vụ công ích. Chất thải nhựa được phân loại, thu gom và bán cho cơ sở thu mua phế liệu, rác thải sinh hoạt được xử lý thông qua hình thức chôn, đốt.
"Việc thay đổi hành vi, thói quen của người dân đối với việc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy còn khó khăn, do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như: thói quen sử dụng hình thành đã lâu, sự tiện lợi, giá thành của các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông còn thấp. Các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường như túi vải, túi giấy, ống hút tre, cốc thủy tinh, cốc giấy, đồ dùng được nhiều lần… thường có giá thành cao, ít thông dụng, chất lượng sản phẩm còn hạn chế", bà Thu cho hay.
Thời gian tới, Chi cục Thủy sản TP.HCM tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Đối với chất thải rắn thông thường phát sinh (chất thải sinh hoạt, bao bì đựng thức ăn, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, xác tôm chết…) cần được thu gom, xử lý đúng quy định và định kỳ thực hiện việc vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản.
Về công tác quản lý nhà nước, Chi cục Thủy sản TP.HCM thường xuyên phối hợp Phòng kinh tế các huyện có hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.